Truy cập nội dung luôn

SỞ TÀI CHÍNH THÁI NGUYÊN

Sơ kết công tác Tài chính -Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021

2021-07-22 13:42:00.0

Sáng ngày 16/7/2021, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, quán triệt nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách 6 tháng cuối năm 2021. Dự hội nghị có các đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí  Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các Thứ trưởng Bộ Tài chính; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành; đại diện lãnh đạo chủ chốt các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính. Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Xuân Trường cùng lãnh đạo một số sở, ngành, phòng ban liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19. Song thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 52,8% dự toán, tăng 17,8%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,7% dự toán, tăng 19,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 59,3% dự toán, tăng 39,6% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: cơ quan Thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định cho 52,38 nghìn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn, với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; thực hiện miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng. Qua đó, giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh…

Tại Thái Nguyên kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm đạt 7.478 tỷ đồng, đạt 47,9% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 61,1% dự toán Bộ Tài chính giao. Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm thực hiện đạt 5.296 tỷ đồng, bằng 33% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 41,28% dự toán Bộ Tài chính giao. Chi ngân sách đã đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh như phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid – 19…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả mà toàn ngành tài chính đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021. Chia sẻ với những khó khăn mà ngành và cả nước đang phải đối mặt khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái đề nghị toàn ngành cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa để trình Chính phủ phê duyệt, rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng. Phối hợp với các đơn vị có liên quan như Bộ LĐTB&XH, Ngân hàng Nhà nước triển khai có hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn trong dịch covid19. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị, toàn ngành cần tập trung rà soát các thể chế còn gây tắc gẽn cho nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính cho thu hút đầu tư, kinh tế số và tương mại điện tử. Tăng cường quản lý nguồn thu, nắm chắc nguồn thu. Các địa phương cần vào cuộc quyết liệt để phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được Quốc hội giao. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện phân cấp phân quyền gắn với việc tăng cường kiểm tra giám sát của ngành chuyên môn. Theo dõi diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn, kiểm soát giá./.

Việt Hùng

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1214119