Truy cập nội dung luôn

SỞ TÀI CHÍNH THÁI NGUYÊN

Nhiều đổi mới về cơ chế giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập

2015-07-29 00:00:00.0

"Có nên xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên hay không"? là câu hỏi được các nhà báo đặt ra trong buổi họp báo Chuyên đề do Cục Quản lý công sản tổ chức.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng chủ trì cuộc họp báo chiều ngày 28/7. 

Ảnh: Hạnh Thảo

Trả lời cho câu hỏi này, Cục trưởng Trần Đức Thắng cho biết là có nên, nhưng quy trình giao và các quy định phải hết sức chặt chẽ.


Ông Thắng cho biết thêm, khi báo cáo với Chính phủ, nội dung này cũng rất được quan tâm là có nên làm như vậy hay không? Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu rất nhiều và đưa ra nhiều dẫn chứng. Chẳng hạn, đơn vị đó có tài sản dư thừa nhưng chưa dư thừa đến mức để Nhà nước thu hồi lại giao cho đơn vị khác, mà chỉ dư thừa tạm thời trong khoảng thời gian nhất định, thì sẽ có cơ chế để các đơn vị này sử dụng tài sản đó vào việc liên doanh liên kết tạo nguồn lực cho xã hội.


Ví dụ như các khu thể thao ở cấp tỉnh, hoặc cấp huyện hoàn toàn có thể liên doanh liên kết để xây dựng những bể bơi, những sân tennis để cùng khai thác, vừa để phục vụ nhu cầu của xã hội, vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân xung quanh khu vực đó, thay vì để tài sản đó “nằm chết” một chỗ.


Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Trần Đức Thắng cũng đưa ra những đánh giá về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành. Theo ông, những văn bản quy phạm pháp luật đã thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cơ chế giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và cho phép các đơn vị này sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích kinh doanh, khai thác có hiệu quả nguồn lực sẵn có từ tài sản nhà nước gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển dịch vụ sự nghiệp công.


Quá trình triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều đơn vị khi được giao vốn đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động, tăng khả năng tự chủ về mặt tài chính và đóng góp một phần vào NSNN.


Nhưng trong quá trình thực hiện, ngoài các kết quả bước đầu, cơ chế hiện hành và công tác tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế. Do đó, Cục Quản lý công sản đã định hướng, sửa đổi, bổ sung cơ chế hiện hành.


Theo đó, sẽ mở rộng đối tượng đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị quản lý theo hướng các đơn vị này tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đều đủ điều kiện được nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý.


Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì chỉ thực hiện xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý, trong trường hợp tài sản nhà nước được giao có khả năng sử dụng vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 32 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và phải được cơ quan quản lý cấp trên chấp thuận trình bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định.


Bên cạnh đó, sẽ bỏ điều kiện đơn vị phải có đề án sử dụng tài sản nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt, do việc giao vốn là lâu dài, còn việc sử dụng tài sản cụ thể vào mục đích gì lại được xác định tại một thời điểm cụ thể, khi đó mới cần lập đề án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.


Cơ chế hiện hành cũng sẽ được sửa đổi, bỏ điều kiện "Nhà nước không tăng thêm kinh phí, trừ các trường hợp nhà nước giao thêm nhiệm vụ hoặc bổ sung một số phần cho tiền lương tăng thêm theo chế độ của Nhà nước", bởi việc bố trí kinh phí NSNN thực hiện theo quy định của Luật NSNN, điều kiện này tạo tâm lý e ngại cho các đơn vị khi thực hiện giao vốn./.

thoibaotaichinhvietnam.vn


Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1214916