Ngành Tài chính tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng nền tài chính số
2023-06-01 10:50:00.0
Ngành Tài chính đã tiên phong trong chuyển đổi số, đồng thời có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực trong việc chuyển đổi số, xây dựng nền tài chính số. Việc áp dụng chuyển đổi số giúp chuyển đổi sang nền tài chính số hiện đại, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp cũng như tăng cường năng lực trong công tác quản lý, đảm bảo sự minh bạch, chuyên nghiệp. Chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, toàn ngành Tài chính đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Với những kết quả đạt được, qua 7 năm liên tiếp từ năm 2013 đến năm 2019, Bộ Tài chính liên tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (Vietnam ICT index) khối các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2020 và 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất hai năm liên tiếp trong các bộ cung cấp dịch vụ công về mức độ chuyển đổi số.
Đánh giá cao những kết quả Bộ Tài chính đã đạt được trong chuyển đổi số, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành đầu tiên ban hành các văn bản định hướng nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số. Các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng.
Cụ thể, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử, đã cung cấp 163 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực thuế, tích hợp 156 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Dịch vụ thuế điện tử cho doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, thông suốt với trên 99% trong tổng số gần 850.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Tổng cục Hải quan đã hoàn thành triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt gần 90%. Đến hết năm 2021, Kho bạc Nhà nước đã cơ bản hoàn thành xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực quản lý. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Kho bạc Nhà nước hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. “Tôi tin tưởng rằng kinh nghiệm thực tiễn của Bộ Tài chính sẽ có giá trị tham khảo tốt cho các bộ, ngành”, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh. Cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực Trong phiên toàn thể, các diễn giả đã thuyết trình về Chiến lược tài chính đến năm 2030 và đột phá về chuyển đổi số; Kế hoạch chuyển đổi số trong ngành Tài chính đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng nền tài chính số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; kinh nghiệm phát triển tài chính số trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và bài học cho Việt Nam; xây dựng trung tâm dữ liệu thế hệ mới cho ngành Tài chính;... Ông Nguyễn Đại Trí cho biết: “Đây thực sự là những kinh nghiệm hết sức quý báu để ngành Tài chính có thể chủ động và tận dụng tốt các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch, hình thành hệ sinh thái tài chính số đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức” - Cục trưởng Nguyễn Đại Trí nhấn mạnh.
WB đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Bộ Tài chính trong cải cách hành chính
Ông Andrea Coppola cho biết, WB đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng trong cải cách hành chính, hiện đại hóa thời gian qua. Những hệ thống điện tử của các cơ quan như thuế, hải quan, kho bạc đã trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho hoạt động xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách.
Theo các chuyên gia, để tiếp tục duy trì các thành tích đạt được và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số. Nhờ đó, cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; giúp người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Theo khuyến nghị của ông Andrea Coppola - chuyên gia kinh tế trưởng của WB trong thời gian tới, ngành Tài chính có thể cải thiện khả năng kết nối liên thông dựa trên các hệ thống hiện có để có thể phát huy hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động dựa vào dữ liệu điện tử mà trước mắt là cải thiện việc thu nhập, chia sẻ dữ liệu một cách khoa học và hiệu quả hơn. Những dữ liệu này tổng hợp lại có thể trở thành căn cứ quan trọng để cơ quan quản lý hoạch định chính sách.
6 trọng tâm cần lưu ý để chuyển đổi số ngành Tài chính đạt mục tiêu:
Thứ nhất, chuyển đổi số trước tiên là phải chuyển đổi tư duy, nhận thức, phải tạo được niềm tin số; phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, thực chất, hiệu quả lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.
Thứ hai, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách triển khai hiệu quả Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng 2030.
Thứ ba, Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, áp dụng các thành quả công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin lớn, cốt lõi của ngành, kế thừa kết quả triển khai Chính phủ điện tử để từng bước thực hiện chuyển đổi số ngành Tài chính, cung cấp các dịch vụ tài chính số, tham gia tích cực vào sự phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thứ tư, thực hiện cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ mới trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Thứ năm, cần chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin toàn ngành tài chính; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Thứ sáu, cần đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho nhân lực ngành tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ thông.