Truy cập nội dung luôn

SỞ TÀI CHÍNH THÁI NGUYÊN

Chuyên trang Chuyển đổi số

Sở Tài chính Thái Nguyên Gắn cải cách hành chính với chuyển đổi số

2021-12-25 10:04:00.0

Sở Tài chính Thái Nguyên đã sớm nhận thức được con đường chuyển đổi số để tăng cường hiệu năng quản lý Nhà nước và hiện đại hóa Ngành Tài chính là con đường hiện đại hóa tất yếu để phát triển ngành, cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước

Với vai trò quản lý Nhà nước về tài chính ngân sách, Sở Tài chính Thái Nguyên đã sớm nhận thức được con đường chuyển đổi số để tăng cường hiệu năng quản lý Nhà nước và hiện đại hóa Ngành Tài chính là con đường hiện đại hóa tất yếu để phát triển ngành, cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt, Sở đã tích cực gắn cải cách hành chính với chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Để thực hiện có hiệu quả việc cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, Sở Tài chính đã thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thể chế, cải cách về thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trong đó, việc cụ thể hóa Nghị quyết số 76/NQ-CP Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số; Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 22/12/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính đã được Sở đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị làm việc với Sở Tài chính Thái Nguyên ngày 30/8/2021

Không dừng lại ở đó, Sở Tài chính luôn quan tâm, chỉ đạo, thực hiện rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, khắc phục những hạn chế để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) trong lĩnh vực tài chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đáng nói là Sở đã chú trọng đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin để dần tạo được sự đồng bộ, dữ liệu được bổ sung, hoàn thiện... Ngoài ra, với mong muốn nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Sở Tài chính Thái Nguyên tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số năm 2021”. Qua đó, tạo được sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cán bộ trong ngành Tài chính Thái Nguyên.

Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; nỗ lực thực hiện các mục tiêu đã đề ra, đến nay 24/32 thủ tục hành chính của Sở đạt mức độ 4 (đã được chuẩn hóa và công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 100% kế hoạch đề ra). Đặc biệt, việc giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 100%. Số lượng thủ tục hành chính đã giải quyết của Sở Tài chính năm 2021 tính đến thời điểm hiện tại là 1.626 hồ sơ. Trong đó có 1.642 hồ sơ thực hiện tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100 % thủ tục hành chính của Sở được giải quyết đúng hạn và trước thời hạn.

Mặc dù số hồ sơ giải quyết lớn nhưng với sự nỗ lực quyết tâm cao của tập thể cán bộ công chức trong công tác CCHC có những khởi sắc đáng kể. Theo đó, năm 2020 chỉ số CCHC công của tỉnh xếp thứ 12/63 tỉnh, thành; trong đó nội dung cải cách tài chính công đạt 11,07/12 điểm, xếp thứ nhất trong cả nước. Đối với đánh giá chỉ số CCHC tại các sở, ngành, đơn vị, Sở Tài chính Thái Nguyên xếp thứ 5/19 đơn vị sở, ngành được xếp hạng.

Nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc CCHC gắn với chuyển đổi số, từ nay đến năm 2025, Sở Tài Chính tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở; thiết lập hệ sinh thái ngành Tài chính số, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ Tài chính thông minh. Công nghệ thông tin trở thành phần chiến lược của ngành Tài chính giúp thiết lập hệ thống dữ liệu tài chính mở, tạo nền tảng cho hệ sinh thái tài chính số.

Giai đoạn đến năm 2030, Sở sẽ thiết lập hệ thống Tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh. Ngành Tài chính đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số. Công nghệ thông tin đóng vai trò đồng nhất với các hoạt động nghiệp vụ trong môi trường số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh quản lý và phát triển nền kinh tế số quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Minh Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi trao giải cho các tập thể đạt giải tại Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về CCHC gắn với Chuyển đổi số Ngành tài chính tỉnh Thái Nguyên năm 2021

Theo đó, Sở Tài chính tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 76/NQ-CP Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số. Xác định việc CCHC gắn với chuyển đổi số giúp cho doanh nghiệp và người dân là đối tượng được hưởng thụ lớn nhất trong xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh dành nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cho hoạt động công nghệ thông tin đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho hạ tầng công nghệ thông tin được đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lộ trình xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đem lại tiện ích tính năng tiện ích mà dịch vụ công mang lại. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao chỉ số ICT Index - là thước đo mức độ phát triện về công nghệ thông tin và truyền thông, thước đo cho mức độ sẵn sàng phát triển, áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các lĩnh vực ở mỗi quốc gia; đồng thời, chỉ số CCHC thuận lợi cho việc liên thông với các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương từ doanh nghiệp đến người dân. Đặc biệt là chỉ đạo việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm mang lại sự cải thiện đáng kể trong công tác quản lý tài chính công theo hướng hiện đại. Các hệ thống thông tin này sẽ góp phần quan trọng trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý tài chính - ngân sách của ngành Tài chính.

Song song với đó là hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng Tài chính số; thiết lập hệ thống Tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh. Thông qua đó sẽ giúp cho Ngành Tài chính hoàn thành vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số.

Ngoài ra, Ngành Tài chính sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân về công tác CCHC gn với  chuyển đổi số của tỉnh nói chung và Sở Tài chính nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh về CCHC và chuyển đổi số thuộc lĩnh vực tài chính, tạo sự thống nhất trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1244196