Truy cập nội dung luôn

SỞ TÀI CHÍNH THÁI NGUYÊN

Thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2016

2015-12-09 00:00:00.0

Tại Nghị quyết số 98/2015/NQ-QH13 ngày 10/11/2015 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Quốc hội yêu cầu tập trung thực hiện là xây dựng khung pháp lý bảo đảm thực hiện việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2016.

Theo đó, việc mua sắm theo phương thức tập trung sẽ được áp dụng đối với các tài sản có số lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo báo cáo của Cục Quản lý công sản, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 BCHTW Đảng (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 cho phép thí điểm việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2008. Việc thí điểm được áp dụng với Bộ Tài chính và 23 Bộ, ngành, địa phương tự nguyện đăng ký tham gia. Trong 5 năm thực hiện thí điểm (2008-2012), số tiền chênh lệch giữa số dự toán và số thực tế mua sắm tài sản theo phương thức tập trung là hơn 467 tỷ đồng. Kết quả này mới chỉ dừng ở việc mua sắm tập trung đối với một số ít mặt hàng tại 23 Bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm. Nếu được nhân rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị trên cả nước và mở rộng đối tượng hàng hóa, dịch vụ thực hiện mua sắm tập trung thì kết quả này không dừng lại ở con số 467 tỷ đồng mà sẽ cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, do mới trong giai đoạn thí điểm nên phương thức mua sắm tập trung đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tính bắt buộc, khuôn khổ pháp lý, cách thức thực hiện mua sắm, tính chuyên nghiệp.

Trên cơ sở kết quả thí điểm và quy định của Luật đấu thầu năm 2013, Cục Quản lý công sản đã hoàn tất công tác soạn thảo, báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Quyết định quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung và 2 Thông tư hướng dẫn thực hiện mua sắm tập trung và công bố danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia.

Theo các dự thảo nêu trên, cách thức mua sắm tập trung sẽ có sự cải cách mạnh mẽ theo hướng chủ yếu áp dụng cách thức ký thỏa thuận khung (là cách thức đã được áp dụng có kết quả ở nhiều nước nhưng còn mới đối với Việt Nam). Cách thức ký hợp đồng trực tiếp như trong giai đoạn thí điểm đang thực hiện sẽ chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Theo lý giải của Cục Quản lý công sản, sở dĩ cách thức ký thỏa thuận khung được áp dụng rộng rãi là do cách thức này vừa bảo đảm được mục tiêu của mua sắm tập trung, vừa không làm ảnh hưởng tới phân cấp ngân sách, quyền tự chủ của các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản. Cụ thể nội dung của mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung như sau: Đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản đề xuất nhu cầu mua sắm, lập dự toán mua sắm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu được lựa chọn (trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung), tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn.              

Theo kinh nghiệm của các nước đã áp dụng thành công phương thức mua sắm tập trung và đánh giá của Cục Quản lý công sản, việc áp dụng phương thức mua sắm tập trung sẽ có tác động tích cực trên nhiều mặt.

Một là: Tiết kiệm chi ngân sách do giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu. Nếu triển khai tốt phương thức mua sắm tập trung, số tiền tiết kiệm được có thể lên đến khoảng 15%/tổng giá trị mua sắm thông qua các lý do: (i) mua sắm với số lượng lớn, giá mua sẽ giảm; (ii) giảm đầu mối thực hiện mua sắm và giảm đáng kể chi phí để tổ chức đấu thầu (hiện nay khoảng hàng chục nghìn đơn vị đầu mối hàng năm cùng tiến hành các thủ tục về đầu thấu mua sắm những loại tài sản như nhau. Khi thực hiện mua sắm tập trung thì chỉ thực hiện một hoặc một số cuộc đầu thầu trong năm).

Hai là: Khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả.

Ba là: Hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch.

Bốn là: Khi phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công. Theo phương án như hiện nay từ hàng chục nghìn đầu mối mua sắm sẽ giảm còn khoảng 170 đầu mối mua sắm tập trung, gồm: 02 đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và 126 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Năm là: Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công được tăng cường do số lượng cơ quan, đơn vị thực hiện mua sắm công giảm lớn; qua đó góp phần giải quyết được các mục tiêu kinh tế vĩ mô thông qua chính sách và thực hiện gắn với mua sắm công tập trung./.


taisancong.vn


Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1214624