Truy cập nội dung luôn

SỞ TÀI CHÍNH THÁI NGUYÊN

Hướng dẫn xây dựng dự toán, quản lý kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV

2016-03-14 00:00:00.0

Tại Thông tư số 06/2016/TT-BTC ngày 14/1/2016 hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ Tài chính quy định cụ thể mức chi cho các hoạt động tại Trung ương.

Theo đó, điều chỉnh tăng mức chi bồi dưỡng và mức hỗ trợ cước điện thoại đối với những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử: mức chi được tăng thêm khoảng 12-15% so với mức chi phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII để phù hợp với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Về phương thức chi bồi dưỡng: Thực hiện phương thức khoán theo tháng (quy định cả thời gian trước và sau cuộc bầu cử không quá 5 tháng thay cho việc chấm công tính theo ngày phục vụ để đơn giản thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện.

Các hoạt động mang tính chất thường xuyên như: xây dựng văn bản hướng dẫn bầu cử, chi hội nghị tập huấn, chi thông tin tuyên truyền… được dẫn chiếu đến các văn bản để thực hiện theo quy định hiện hành.

Một số mức chi phục vụ hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử của Ủy ban ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: được áp dụng thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 ngày 20/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu đảm bảo hoạt động của Quốc hội.

Đối với mức chi tại địa phương: Căn cứ mức kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử do ngân sách Trung ương đảm bảo theo thông báo, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Chủ tịch Ủy ban bầu cử đại biểu cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định ban hành các mức chi cụ thể bằng văn bản và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Về quy trình xây dựng, quyết định và giao dự toán: Thông tư quy định cụ thể quy trình thực hiện trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện, đảm bảo việc bố trí ngân sách đến các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phục vụ cuộc bầu cử, đồng thời gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong quá trình rà soát các hoạt động, xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo đúng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

Về tổ chức thực hiện: Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư số 06/2016/TT-BTC ngày 14/01/2016 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 29/2/2016 (sau ít nhất là 45 ngày kể từ ngày ký).

Để phục vụ tốt cuộc bầu cử sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật 22/5/2016 theo Nghị quyết số 105/2015/QH13 của Quốc hội, hiện nay các cơ quan, đơn vị có liên quan đã và đang khẩn trương thực hiện hoạt động phục vụ cuộc bầu cử.

Để tạo điều kiện và đảm bảo căn cứ pháp lý cho việc thanh, quyết toán, Thông tư quy định: Đối với khối lượng công việc của các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện trước khi văn bản này có hiệu lực; các Bộ, ngành, địa phương căn cứ quy định tại Thông tư số 06/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính và chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ để quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Thông tư 06 được ban hành nhằm đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu: Phục vụ tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Quản lý và sử dụng kinh phí bầu cử đúng mục đích, yêu cầu, tiết kiệm và hiệu quả; Tạo điều kiện tối đa để các cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước phục vụ cuộc bầu cử thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện; Tạo quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong việc bố trí kinh phí và quyết định các mức chi cụ thể phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện thực tiễn trên địa bàn./.


Theo mof.gov.vn


Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1214621