Truy cập nội dung luôn

SỞ TÀI CHÍNH THÁI NGUYÊN

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014

2013-12-31 00:00:00.0

Tại điểm cầu Thái Nguyên, dự Hội nghị gồm có Đại điện UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan.

 

(Ảnh: Hội nghị trực tuyến )

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe những báo cáo của Bộ Tài chính về các nội dung như: Các giải pháp tăng cường kiểm soát chi, đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ; Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành giá góp phần kiềm chế lạm phát năm 2013, định hướng quản lý điều hành giá năm 2014; Tình hình nợ công và giải pháp tăng cường quản lý nợ công; Tình hình triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty; Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, chống chuyển giá và xử lý nợ thuế.

 

Từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động tích cực triển khai các giải pháp tài chính - NSNN, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa; tập trung điều hành quyết liệt thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, phù hợp với khả năng thu; công tác quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia được quản lý nghiêm; tăng cường quản lý giá... Bộ cũng đã chủ động trình Chính phủ quyết định nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; trình Chính phủ, Quốc hội thông qua các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế Giá trị gia tăng với những điều chỉnh ưu đãi hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là đã cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng sớm 6 tháng (từ 1/7/2013) mức thuế suất thuế TNDN 20% (giảm so với mức 25% trước đó). Ước cả năm, xử lý miễn, giảm, giãn tiền thuế, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất khoảng 16.600 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, công tác điều hành tài chính - NSNN năm 2013 đã đạt được những kết quả tích cực. Ước tổng thu (NSNN) cả năm đạt 100% dự toán. Trong đó, đã thu vào NSNN trên 20.000 tỷ đồng cổ tức doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 5/12/2013 của Chính phủ; thu tiền sử dụng đất đạt khoảng 42.500 tỷ đồng. Số tăng cân đối thu thêm chủ yếu là ngân sách trung ương nên sẽ đảm bảo thanh toán hết số nợ hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh năm 2013 theo yêu cầu của Quốc hội (14.800 tỷ đồng). Các địa phương trọng điểm thu ước đạt và vượt dự toán thu trên địa bàn là thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng tàu, Vĩnh Phúc...

Năm 2014, nền kinh tế trong nước dự báo sẽ có chuyển biến tích cực hơn, với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 5,8%, tốc độ lạm phát khoảng 7%, xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, sản xuất - kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, yêu cầu tái cơ cấu đầu tư công, DNNN, hệ thống ngân hàng thương mại, áp lực điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ công sát với giá thị trường ngày càng lớn. Ngoài ra, trong năm tới sẽ thực hiện một số điều chỉnh chính sách thu (như Luật Thuế TNDN, Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi, bổ sung), qua đó tác động làm giảm thu NSNN. Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN đã được Quốc hội thông qua, Ngành Tài chính phấn đấu hoàn thành dự toán thu cân đối NSNN năm là 782.700 tỷ đồng. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 17,2%GDP. Dự toán chi NSNN là 1.006.700 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng (2,9%) so dự toán năm 2013, trong đó phải dành khoảng 54.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi (chi trả nợ 15.000 tỷ đồng, chi tiền lương tăng thêm 20.000 tỷ đồng,...). Như vậy, thực chất dự toán chi NSNN năm 2014 giảm 25.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2013; mức bội chi NSNN năm 2014 là 5,3%GDP.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao kết quả thu - chi ngân sách năm 2013. Trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng Ngành Tài chính nỗ lực vượt qua và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng trưởng GDP, đảm bảo an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế...

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngành Tài chính tiếp tục tập trung tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh đất nước. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là công tác quản lý giá thị trường (mặt hàng thiết yếu).v.v

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1214982