Truy cập nội dung luôn

SỞ TÀI CHÍNH THÁI NGUYÊN

Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XII

2014-05-20 00:00:00.0

Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Đề nghị các sở, ngành chủ động tìm nguồn để cân đối ngân sách cho các đối tượng được hưởng chế độ ngay sau khi Nghị quyết ban hành và có hiệu lực

            Tại các tổ thảo luận, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ cao, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với các tờ trình đã trình tại kỳ họp, đồng thời tham gia đóng góp nhiều ý kiến bổ sung hoàn thiện nội dung các tờ trình.

           1. Tờ trình về việc đổi tên Quảng trường 20-8 của thành phố Thái Nguyên thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp: Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu cho rằng đây là vấn đề mang tính thời sự và cũng là nguyện vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, cho nên cần lựa chọn công trình xứng tầm với công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đặt tên. Quảng trường 20-8 có giá trị lịch sử lại nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn của tỉnh do đó đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp là phù hợp và tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên cũng có ý kiến bày tỏ sự băn khoăn vì hiện nay Quảng trường còn hẹp, công tác quy hoạch, nhất là cảnh quan còn chưa đẹp mắt. Do vậy cùng với việc đổi tên Quảng trường, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch khẩn trương lập dự án mở rộng, nâng cấp Quảng trường cho tương xứng với công lao, tầm vóc của Đại tướng. Bố trí vốn để thực hiện việc mở rộng, nâng cấp ngay sau khi dự án được phê duyệt. Đồng thời nghiên cứu, có phương án đặt tên sự kiện 20/8 cho một con đường hoặc công trình công cộng khác trên địa bàn tỉnh, bởi ngày 20/8 là dấu mốc lịch sử quan trọng riêng có của tỉnh Thái Nguyên, là ngày thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên.

            2. Tờ trình về việc đề nghị thông qua Đề án phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020: Các đại biểu đề nghị cần được thực hiện trong tổng thể phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Đề án này có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến phát triển công nghệ cao, có thể tạo ra được hiệu quả kinh tế cao, ý nghĩa xã hội lớn nên việc quan tâm cần có sự khác biệt với các đề án phát triển kinh tế, xã hội thông thường.

Tổ thảo luận số 2

3. Tờ trình về việc đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030: Đại biểu đề nghị lồng ghép nội dung này với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đề án cần cụ thể hơn về tiêu chí, phương án tài chính, việc khai thác và sử dụng các thiết chế sau đầu tư cần quan tâm thì mới phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá kỹ thực trạng, nêu lên bất cập, tồn tại trong quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; quan tâm đến giải pháp xã hội hóa trong phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, đây là một giải pháp quan trọng nhưng trong quy hoạch chưa đề cập. Các đại biểu cũng đề nghị cần tính toán, làm rõ nguồn lực thực hiện đề án, đặc biệt là vấn đề nguồn lực cho giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất. Đại biểu Lưu Văn Toán, huyện Đại Từ cho rằng: Quy định diện tích đất tối thiểu của nhà văn hóa - thể thao cấp xã là 12.800 mlà quá cao, trong khi nói quỹ đất do các cấp ủy Đảng, chính quyền vận động nhân dân hiến đất là rất khó để thực hiện. Bên cạnh đó, cần làm rõ vấn đề thực hiện đề án thì các cấp ngân sách sẽ tham gia như thế nào? Đối với 82 xã đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% xây dựng nhà Văn hóa - Khu thể thao, đề án không nói rõ thời gian thực hiện đến 2020 hay 2030. Các đại biểu cũng đề nghị cần bỏ đơn vị thị trấn Đại Từ, đồng thời thay đổi số lượng xã, phường của tỉnh, huyện Đại Từ trong đề án.

            4., Tờ trình về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: Theo ý kiến một số đại biểu, hiện nay chúng ta mới quan tâm nhiều đến vấn đề xử lý nước thải ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tuy nhiên nước thải ở khu dân cư chưa được xử lý tốt, gây ảnh hưởng đến môi trường, do đó trong quy hoạch cần quan tâm đến giải pháp xử lý nước thải ở các khu dân cư. Các đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung thêm vào Quy hoạch các điểm quan trắc môi trường, đánh giá chất lượng nguồn nước Hồ Núi Cốc, nguồn nước Sông Công, đây là những nơi cung cấp lượng nước rất lớn cho các địa phương trong tỉnh nhưng chưa có điểm quan trắc, kiểm soát nguồn nước.

Đồng chí Vi Thị Chung, đoàn đại biểu huyện Đại Từ:  Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số 

trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 cần cụ thể hơn về mục tiêu và giải pháp thực hiện

5. Tờ trình về việc quy định khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong các kỳ thi, cuộc thi cấp Quốc gia, khu vực và Quốc tế thuộc các lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo, Thể dục – Thể thao, Văn học – Nghệ thuật, Thông tin – Truyền thông: Đại biểu đề nghị làm rõ thêm đối tượng được giải là người nước ngoài, mức thưởng đối với lĩnh vực Văn học - nghệ thuật và lĩnh vực Thông tin - Truyền thông, nguồn kinh phí khen thưởng…cần có sự thay đổi căn bản, có sự so sánh với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Quy chế phải góp phần khuyến khích, động viên và tôn vinh những tập thể và cá nhân có thành tích, đồng thời góp phần tạo ra động lực cho các tập thể, cá nhân phấn đấu vươn lên.

6. Tờ trình về việc đề nghị thông qua Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020: Các đại biểu cho rằng Đề án còn chung chung, cần cụ thể hơn về mục tiêu, giải pháp, đặc biệt là các giải pháp về nguồn lực thực hiện, đồng thời đề nghị làm rõ về đối tượng, địa bàn thụ hưởng.

7. Tờ trình về chế độ thù lao đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên: Các đại biểu thống nhất các mức thù lao như tờ trình và đề nghị làm rõ khái niệm đặc thù, thẩm quyền quản lý và các nội dung quản lý cụ thể theo từng cấp. Đồng thời đề nghị quan tâm đến các đối tượng khác ở cơ sở để đảm bảo tương quan giữa các Hội đặc thù với nhau, giữa các hội ở các nơi có số lượng hội viên khác nhau và với các chức danh khác ở cấp cơ sở. Mặt khác có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cần xem xét sao cho phù hợp với việc ổn định ngân sách và mức hỗ trợ cho các chức danh khác (ví dụ như chức danh cấp phó ở cấp xã, phường).

Tổ thảo luận số 4

8. Tờ trình về việc quy định mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người làm việc trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên: Đại biểu đồng tình nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết thực hiện hỗ trợ chế độ chính sách để khuyến khích các cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc cơ quan hành chính nhà nước. Một số đại biểu nêu ý kiến: mức hỗ trợ cũ nhiều địa phương còn chưa thực hiện được do chưa cân đối được ngân sách để chi trả nếu tăng mức hỗ trợ sẽ khó khăn các địa phương trong việc cân đối ngân sách do đó cần có sự đánh giá quá trình thực hiện trước đó, xác định rõ những nguyên nhân tồn tại, vấn đề có phụ cấp có giải quyết được những tồn tại vướng mắc hiện nay không… Một số đại biểu đề nghị nên thực hiện theo mức hỗ trợ cũ và UBND tỉnh cần kiểm tra, rà soát, đôn đốc các địa phương trong việc chi hỗ trợ cho cán bộ, công chức, người làm việc trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc cơ quan hành chính nhà nước.  Đại biểu Phùng Đình Thiệu, đoàn huyện Định Hóa nêu ý kiến: Mức hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tương quan giữa cán bộ, công chức, người làm việc trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với cán bộ, công chức thực thi công vụ tại các bộ phận chuyên môn, bởi các cán bộ ở bộ phận chuyên môn mới có trách nhiệm lớn trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Ngoài ra, hỗ trợ cho các cán bộ cũng nên đảm bảo bình đẳng giữa các lĩnh vực công tác trong Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đại biểu Lương Văn Lành, đoàn huyện Đồng Hỷ đề nghị làm rõ vấn đề cấp ngân sách thực hiện hỗ trợ cho công tác này vì ngân sách huyện đã được phân giao ổn định, chưa có nguồn để cân đối thực hiện hỗ trợ.

Về thời điểm triển khai thực hiện các Nghị quyết này, theo quan điểm của Sở Tài chính, nếu thực hiện ngay sẽ khó khăn cho các huyện, thành phố, thị xã trong việc cân đối ngân sách. Tuy nhiên để kịp thời động viên các đối tượng được hưởng chính sách, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành chủ động tìm nguồn để cân đối ngân sách cho các đối tượng được hưởng chế độ ngay sau khi Nghị quyết ban hành và có hiệu lực (từ 1/6/2014). Giải quyết vấn đề này, đề nghị HĐND biểu quyết cho phép năm 2014 ngân sách tỉnh sẽ đảm bảo cho nội dung này, từ năm 2015 trở đi sẽ bố trí vào nguồn ngân sách các địa phương.

Kết thúc phiên thảo luận, các ý kiến tham gia thảo luận đã được tổ trưởng tiếp thu và phản ánh lên phiên họp toàn thể để tiếp tục thảo luận và quyết định.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu các chức danh của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016

Buổi chiều, các đại biểu thực hiện quy trình miễn nhiệm và bầu cử các chức danh của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Các đại biểu đã miễn nhiệm chức danh Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đối với ông Triệu Minh Thái, miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội đối với ông Lê Quang Dực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban Dân tộc đối với ông Phùng Đình Thiệu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Dân tộc đối với bà Vi Thị Chung, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách đối với ông Hoàng Văn Quý, Phó Trưởng Ban quản lý khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc để nhận nhiệm vụ mới.

Các đại biểu bầu ông Dương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ giữ chức vụ Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; bà Vi Thị Chung, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh giữ chức vụ Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội chuyên trách; ông Lương Trung Hà, Phó Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh giữ chức vụ Trưởng Ban Dân tộc chuyên trách; ông Hoàng Văn Quý, Phó Trưởng Ban quản lý khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Dân tộc chuyên trách.

 

 

 

 

 





Nguồn: thainguyen.gov.vn




Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1214605